Những trò chơi với đồng xu

Từ 1 tuổi, trẻ đã thích quan sát và bắt chước, đây chính là hai cách quan trọng mà con học hỏi mọi thứ xung quanh. Nên ngay khi trẻ biết đếm, bố mẹ có thể chỉ cho con biết khái niệm về tiền bạc. Việc được tiếp xúc, được cung cấp kiến thức và kĩ năng từ sớm sẽ giúp con phát triển tư duy về đồng tiền.

Trong hệ thống chương trìnhMoney As You Grow, cũng có những tài liệu hướng dẫn áp dụng các trò chơi để dạy trẻ về tiền bạc. Vì với trẻ nhỏ, các khái niệm liên quan đến tiền bạc khá phức tạp để có thể giải thích một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu áp dụng một vài trò chơi giáo dục nhỏ, bố mẹ có thể chủ động dạy cho bé những bài học đầu tiên về giá trị của đồng tiền.

Trẻ có thể tiếp thu và học tốt khi nghĩ rằng các con đang chơi trò chơi. Bằng cách chuyển các bài tập đếm và toán học liên quan đến tiền bạc thành các trò chơi thú vị mà cả gia đình có thể chơi, các bạn nhỏ có thể tìm hiểu thông tin về giá trị và quản lý tiền bạc mà không hề nhận ra.

DÀNH CHO CÁC BÉ TỪ 2 - 4 TUỔI
Ở khoảng tuổi này, các con sẽ chưa thể hiểu được định nghĩa và giá trị của tiền bạc, nên bố mẹ chỉ cần bắt đầu giúp con tiếp xúc và tạo hứng thú cho bé với những đồng tiền.

TRÒ CHƠI VỚI NHỮNG TỜ TIỀN
Chuẩn bị: Đưa cho con 5 tờ tiền giả (được cắt bằng giấy hoặc bìa cứng) và bạn cũng giữ 5 tờ.

Cách chơi: Bố mẹ cùng con hát một bài hát mà bé yêu thích, mỗi khi kết thúc 1 câu hát, bạn sẽ lấy một tờ tiền trên tay của bé, và bé cũng làm như thế lần lượt ở những câu sau. Khi bài hát kết thúc, ai giữ được nhiều tờ tiền hơn, người đó thắng cuộc. Bạn cũng có thể tăng số lượng các tờ tiền lên 6,7 hay 8 tờ ở các lần chơi sau.

Những bài hát với giai điệu vui vẻ sẽ kích thích sự chú ý của các bạn nhỏ khi tiếp xúc với những tờ tiền.

TRÒ CHƠI ĐI TÌM KHO BÁU
Chuẩn bị: Có thể giấu những tờ tiền giả hoặc và món đồ chơi ưa thích của bé trong vườn hoặc ở các góc trong nhà. Trang bị cho bé một chiếc xẻng nhựa để bé đào xới (nếu bạn chôn trong vườn) hay bản đồ kho báu (nếu bạn giấu trong nhà).

Cách chơi: Bố mẹ nên gợi ý cho bé những địa điểm mà bạn cất giấu sao cho thật dễ hiểu và dễ tìm. Hãy để bé tự tìm kiếm kho báu của mình và đừng quên khen ngợi con mỗi khi bé tìm được một tờ tiền hay một báu vật của bé. Bố mẹ cũng nhớ cùng bé đọc to giá trị của tờ tiền lên nhé!

Sau khi bé đã tập hợp đủ được kho báu của mình, bạn có thể cùng bé sắp xếp lại các món đồ và cất ở nơi bé muốn.

TRÒ CHƠI TRẢ TIỀN THEO SỐ ĐẾM
Chuẩn bị: Bố mẹ sẽ đóng vai người yêu cầu, và con sẽ là người thực hiện. Bạn hãy chuẩn bị một số tờ tiền giả và vẽ lên các con số quy định giá trị của tờ tiền như 1.000, 2.000, 3.000

Cách chơi: Sau đó hãy đặt 1 chiếc rổ hay hộp nhỏ trước mặt bé. Mỗi lần bạn bỏ vào đấy 1 tờ tiền, bạn có thể yêu cầu bé làm 1 việc và số lần làm việc này tương đương với con số ghi trên tờ tiền.
Ví dụ: Bạn có thể yêu cầu bé hát 1 bài hát, lấy cho mẹ 2 cái gối, thơm mẹ 3 cái, xoay tròn 4 vòng, bước nhanh 5 bước

Bố mẹ có thể lặp lại trò chơi theo các con số ngẫu nhiên và đổi vị trí cho con để tạo cho bé thêm hứng thú nhé!

DÀNH CHO CÁC BÉ TỪ 4 - 6 TUỔI:
Với độ tuổi này, các trò chơi có thể giúp con nhận biết sự khác nhau giữa các tờ tiền về hình thức như màu sắc, kích thước, giúp các con biết gọi tên chúng và biết giá trị chênh lệch giữa các mệnh giá tiền.

TRÒ CHƠI PHÂN BIỆT
Chuẩn bị: Bố mẹ hãy chuẩn bị ít tiền giả bằng bìa hoặc nhựa với kích cỡ khác nhau: 1 đồng xu 1.000, 1 đồng xu 2.000 và 1 đồng xu 5.000.

Cách chơi: Bạn hãy giúp bé phân biệt đồng xu nào có mệnh giá nhỏ nhất, đồng xu nào có mệnh giá lớn nhất. Sau đó bạn có thể đưa các đồng xu ra và hỏi bé mệnh giá của đồng xu ấy hoặc nói số tiền và bảo bé tìm đồng xu tương đương.

Cũng có thể dùng tiền giấy mới, sạch sẽ để chơi cùng bé. Và hãy nhớ giúp bé phân biệt tờ tiền nào nhỏ nhất, tờ tiền nào lớn nhất và tờ tiền nào có màu xanh, màu đỏ

Trò chơi này không chỉ giúp bé phát triển nhận thức về kích thước, số lượng, màu sắc mà còn giúp bé hiểu rõ giá trị của những tờ tiền.

TRÒ CHƠI XẾP TIỀN TƯƠNG ỨNG
Chuẩn bị: Đầu tiên bố mẹ lấy ra 2 chiếc hộp. Bạn hãy chuẩn bị một số đồng xu bằng bìa hoặc bằng nhựa có mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng rồi để tất cả vào một chiếc hộp bên phải, và để vào chiếc hộp bên trái những tờ tiền giấy có mệnh giá tương đương.

Cách chơi: Để chơi trò chơi này, bố mẹ hãy đố các bé xếp các đồng xu và các tờ tiền giấy thành những cặp có giá trị tương đương nhau. Bạn có thể hướng dẫn bé cách phân loại dựa vào con số ghi trên mỗi đồng xu, mỗi tờ tiền và kích thước khác nhau của các mệnh giá.

Nếu không có tiền xu, bạn cũng có thể sưu tập những tờ tiền giấy cũ có mệnh giá 10.000 và 20.000 đồng, rồi cho bé so sánh với các tờ tiền polymer mới có mệnh giá tương đương. Giúp bé tìm ra những sự khác biệt về màu sắc, họa tiết, chất liệu

TRÒ CHƠI TIỀN THẬT - TIỀN GIẢ
Chuẩn bị: Bạn hãy photo một số tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ (nếu có thể thì in hoặc photo màu là tốt nhất), sau đó cắt chúng ra các kích cỡ bằng tiền thật.

Cách chơi: Bạn hãy trộn lẫn những tờ tiền giả này với những tờ tiền thật và yêu cầu bé tìm cho bạn những tờ tiền thật. Hãy thưởng cho bé những tờ tiền thật mà con tìm được và gợi ý bé tiết kiệm hoặc cất vào một góc riêng của bé.

Trò chơi này giúp bé phân biệt được những tờ tiền thật và có thể rèn luyện ý thức tiết kiệm cho các bạn nhỏ.

DÀNH CHO CÁC BÉ TỪ 6 - 10 TUỔI:
Giai đoạn 6 - 10 tuổi, trẻ đã lớn hơn, nhận biết rõ hơn về tiền bạc và việc chi tiêu vì ở lớp các bé đã được học về phép tính và tiền tệ. Lúc này, bố mẹ nên có thể chơi các trò chơi giúp con hiểu hơn về cách sử dụng tiền hợp lý và nắm rõ được giá trị của đồng tiền.

TRÒ CHƠI ĐI CHỢ
Chuẩn bị: Hãy cắt từ sách báo hay tạp chí cũ những tranh ảnh về các loại thực phẩm như rau quả, thịt, cá, trứng đồng thời bạn hãy làm những bảng giá tiền giống như ở siêu thị cho mỗi loại thực phẩm đó (ví dụ như rau muống giá 3.000 đồng, trứng giá 5.000 đồng, sữa giá 10.000 đồng).

Cách chơi: Bố mẹ có thể đề nghị con đi chợ và chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình với tổng giá tiền là 20.000 đồng. Bạn có thể tăng dần mức giá tiền của bữa ăn để tạo cho bé sự đổi mới.

TRÒ CHƠI LỌ ĐỰNG TIỀN
Chuẩn bị: Bố mẹ chuẩn bị khoảng 2 3 chiếc lọ (không cần phải quá to) và nhét vào trong đấy những đồng tiền xu hoặc tiền giấy.

Cách chơi: Hãy để bé quan sát quá trình bố mẹ cho đồng xu và tiền giấy vào trong lọ. Sau đó bố mẹ ra câu đố bé xem bé có thể đoán trong mỗi lọ có bao nhiêu tiền. Và bạn có thể để bé lấy tiền ra và đếm lại xem bé có đoán đúng hay không.

TRÒ CHƠI ĐO KHOẢNG CÁCH
Chuẩn bị: Trước khi bắt đầu trò chơi, bạn có thể chuẩn bị cho bé một xấp tiền bằng giấy tự làm và để bé điền mệnh giá lên mỗi tờ tiền.

Cách chơi: Bạn hãy bảo bé xếp từng tờ tiền tiếp nối nhau từ giường ra đến cửa ra vào, hoặc từ ghế salon đến tivi Sau khi bé đã xếp xong, bạn hãy yêu cầu bé đếm xem khoảng cách đó trị giá bao nhiêu tiền.

TRÒ CHƠI MUA SẮM
Chuẩn bị: Bạn có thể bày lên bàn một vài món đồ, chẳng hạn như một ít hoa quả, những chiếc kẹp tóc, những cái bút, những quyển sách và làm một số bảng giá cho mỗi món đồ cụ thể. Bạn có thể chuẩn bị cho bé một ít tiền (tốt nhất là cả tiền lẻ và tiền chẵn).

Cách chơi: Trong vai trò một người đi mua sắm, bé sẽ tự mua cho mình những món đồ bé thích. Hãy khuyến khích bé mặc cả cho mỗi món đồ bé mua.

Sau đó, bố mẹ có thể đưa bé cùng đi siêu thị và nên giải thích cho bé hiểu rằng: Tiền sẽ được sử dụng để mua những thứ gia đình đang sử dụng mỗi ngày bằng cách nói giá lên cho bé biết. Ví dụ như: Hộp sữa tươi con uống mỗi ngày là 10.000 đồng, cây kem con thích ăn là 8.000 đồng

Hoặc trước khi đi mua sắm mẹ có thể chỉ hình ảnh món đồ cần mua cùng giá kèm theo có trong tờ rơi quảng cáo Sau đó, mẹ hãy tìm đúng món hàng đó trên kệ hàng siêu thị và chỉ ra giá cả của sản phẩm đó.

Qua những trò chơi nho nhỏ, không chỉ gắn kết thêm sự thân thiết giữa bố mẹ và các bạn nhỏ mà còn chủ động dạy bé những bài học đầu tiên về giá trị của đồng tiền. Cách dạy trẻ về tiền bạc thông qua các trò chơi thú vị sẽ khiến bé thích thú lắm đấy!

-----------------------------------
Những bài học tài chính đầu tiên chính là trẻ nhỏ học hỏi từ việc quan sát bố mẹ kiếm tiền, mua sắm, tiết kiệm và vay mượn, bố mẹ chính là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cách con kiểm soát tài chính sau này. Những bài học về tiền bạc từ bé sẽ góp phần quan trọng tạo dựng khả năng tài chính tương lai của trẻ và bố mẹ không cần phải là chuyên gia tài chính mới có thể dạy con những bài học thiết thực về tiền bạc. Mầm Nhỏ đã có một album DẠY CON VỀ TIỀN BẠC, bố mẹ có thể tìm xem các bài viết trước nhé:
https://www.facebook.com/media/set/?set=a.780549858807607.1073741869.533438936852035&type=1&l=2e63f38935

Video liên quan

0 nhận xét: