Đường lối đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm, khẳng định là đúng đắn. Đường lối đó là cả một quá trình Đảng ta tìm tòi, nghiên cứu tổng kết từ thực tiễn cách mạng nước ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu có phê phán, chọn lọc kinh nghiệm của cách mạng thế giới, tham khảo kinh nghiệm phát triển của nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực.
Đầu thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, trước những sự kiện, những nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra với nhịp độ dồn dập, tính chất phức tạp và với một qui mô to lớn chưa từng thấy, tất cả đang đặt ra yêu cầu bức thiết là cần phải có sự phát triển, bổ sung lí luận cho phù hợp mà trước tiên phải có cách nhìn mới, nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội. Đây chính là cơ sở khách quan của đường lối đổi mới, cải cách mà nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã và đang tiến hành, trong đó có Việt Nam.
Một trong những đặc điểm lớn nhất của thời đại là sự phát triển "kiểu dòng thác" chưa từng có trong lịch sử loài người đó chính là thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ được tiến hành từ giữa thế kỉ XX đã tạo ra những lực lượng sản xuất to lớn và mới về chất, góp phần thúc đẩy nhiều quá trình hiện đại của xã hội loài người như: cấu trúc lại các nền kinh tế, thay đổi, chuyển hướng các kết cấu hạ tầng của sản xuất, tăng cường xu thế toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực quan trọng của các quốc gia, ảnh hưởng to lớn đến các thiết chế xã hội, đến văn hóa, lối sống các dân tộc...
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa nền kinh tế và đời sống kinh tế thế giới. Các quốc gia lần lượt bị cuốn hút vào quá trình phân công lao động, hợp tác hóa quốc tế và thị trường thế giới...
Tình hình trên vừa tạo ra những thời cơ hiếm có đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay go cho mọi quốc gia, đặc biệt là các nước chậm phát triển.
Bên cạnh đó, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu và việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của toàn nhân loại, ở các quốc gia với những chế độ chính trị khác nhau. Đó là vấn đề bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh hạt nhân hủy diệt, đó là vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, phòng chống bệnh hiểm nghèo, vấn đề bùng nổ dân số, sự nghèo đói...Trước tình hình đó, mỗi quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn con đường phát triển của mình không thể không quan tâm đến những vấn đề chung, vì "giải quyết những vấn đề đó chính là điểm hội tụ, nơi gặp gỡ của các dân tộc vì số phận và tương lai của chính mình cũng như của toàn nhân loại"[1] .
Chính vì vậy, những vấn đề chung của nhân loại trở thành yêu cầu khách quan tác động đến sự phát triển và đổi mới của chủ nghĩa xã hội trong đó có Việt Nam. Và chỉ có như vậy, chủ nghĩa xã hội hiện thực mới chứng minh bản chất ưu việt của mình, chứng minh chủ nghĩa xã hội tất yếu là con đường đi tới của các dân tộc.
Sau hơn 70 năm tồn tại, đến cuối thập niên 80 của thế kỉ XX, toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện và sâu sắc. Đứng trước sự thủ thách, nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng bằng nhiều cách khác nhau. Trước hết, phải kể đến công cuộc cải cách, mở cửa với những thành tựu rõ rệt của Trung Quốc - một nước xã hội chủ nghĩa láng giềng và cuộc cải tổ ở Liên Xô - một cường quốc xã hội chủ nghĩa đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới với những diễn biến phức tạp, đầy sóng gió.
Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế theo hướng thị trường mở cửa từ năm 1978. Những thành tựu của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Tiếp đó, công cuộc cải tổ không thành công dẫn tới sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là bài học phản diện cho Việt Nam những kinh nghiệm không thể cải tổ theo kiểu phủ định sạch trơn, giải quyết không biện chứng mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị.
Cũng trong thời gian này, thành công của các nước công nghiệp mới (NIC) như Singapo ở Đông Nam Á đã đưa ra những gợi ý hết sức quan trọng về cách thức và giải pháp phát triển đối với những nước xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp và có kiểu quan hệ xã hội, văn hóa Phương Đông. Động lực để phát triển của các nước này là phát huy nội lực, huy động mọi tiềm năng của đất nước, thực hiện cơ chế thị trường, mở cửa, hướng vào xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Sự tác động của những biến đổi của tình hình thế giới đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, phải có cách nhìn nhận đúng đắn, khách quan khoa học trên cả phượng diện lí luận và thực tiễn.
Trong nhiều thập kỷ trước đổi mới, cũng giống như các nước xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam thực hiện công cuộc xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vốn có những khiếm khuyết lại được áp dụng để đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với những bước đi nhanh vội hơn. Mặt hạn chế của mô hình đó chưa được bộc lộ đầy đủ trong hoàn cảnh chiến tranh thì nay bộc lộ rõ ràng hơn và gây tác động tiêu cực lớn hơn trong điều kiện hòa bình. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung và sự thừa nhận chỉ có hai thành phần kinh tế (quốc doanh và tập thể) đã kìm hãm sức sản xuất, làm cho nhiều năng lực của xã hội không được phát huy, các vấn đề mấu chốt của đời sống nhân dân không được giải quyết. Vì thế đất nước không tạo ra được sự thay đổi, không tạo được sự bứt phá. Nhân dân kém nhiệt tình lao động và mất đi những động lực sáng tạo. Cùng với đó, những thiếu hụt, mất cân đối và nguy cơ bất ổn định cứ tích góp, dồn nén trong xã hội làm tăng thêm tình trạng căng thẳng và mất lòng tin của nhân dân. Hậu quả là cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, trên thực tế, đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế- xã hội. Niềm tin vào chủ nghĩa xã hội bị thách thức.
Đứng trước những đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, với xu thế phát triển của thời đại, lại chịu ảnh hưởng của các nước trong khu vực và trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để khắc phục như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa IV (8/1979) làm cho sản xuất bung ra; Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (13/1/1981) về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp; Quyết định 25-CP và 26-CP của Chính phủ (21-1-1981)về cải tiến cơ chế quản lý trong kinh tế quốc doanh; quan điểm của Đại hội V (3/1982) đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa V (6/1985) về giá - lương - tiền, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu hành chính bao cấp, những kết luận về các quan điểm kinh tế của Bộ Chính trị (9/1986) ...Những thử nghiệm đó cả thành công và thất bại tuy không kiềm chế nổi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng, song đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới tư duy của Đảng và xã hội để đi tới công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc, được mở đầu bằng Đại hội VI của Đảng năm 1986 - Đại hội của đổi mới.
Đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi xướng trên những cơ sở khách quan, khoa học, trước bối cảnh quốc tế có những chuyển biến hết sức sâu sắc và nhanh chóng. Đường lối đổi mới đã đi vào cuộc sống và ngày càng thể hiện tính đúng đắn và sáng tạo của nó, điều đó cho thấy tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng trong việc khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Hơn 30 mươi năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù còn nhiều vấn đề mới nảy sinh cần tiếp tục thử ngiệm và hoàn thiện, song con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Nền chính trị ổn định, kinh tế tiếp tục tăng tưởng, kết cấu hạ tầng xây dựng đồng bộ và ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận các tầng lớp dân cư được cải thiện. Điều đó cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối đúng đắn, khoa học và sáng tạo.
[1] Về cương lĩnh đổi mới và phát triển , NxbThông tin lí luận, Hà Nội. 1991, tr 166