Việt Nam vượt 1 triệu ca mắc COVID-19
Tính từ 16 giờ ngày 13/11 đến 16 giờ ngày 14/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.176 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 (giảm 288 ca so với ngày trước đó). Như vậy, kể từ khi xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, sau gần 2 năm, Việt Nam đã vượt 1 triệu ca nhiễm.
Trong số các ca nhiễm mới, có 13 ca nhập cảnh và 8.163 ca ghi nhận trong nước (giảm 288 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố (có 3.705 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP Hồ Chí Minh (985 ca), An Giang (695 ca), Đồng Nai (674 ca), Bình Dương (623 ca), Đồng Tháp (382 ca), Bình Thuận (369 ca), Tây Ninh (332 ca), Sóc Trăng (299 ca), Vĩnh Long (288 ca), Tiền Giang (274 ca), Kiên Giang (274 ca), Bạc Liêu (273 ca), Cà Mau (243 ca), Đắk Lắk (228 ca), Khánh Hòa (209 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (204 ca), Bình Phước (184 ca), Cần Thơ (146 ca), Thái Bình (134 ca), Trà Vinh (134 ca), Bến Tre (98 ca), Long An (95 ca), Thừa Thiên Huế (93 ca), Hà Nội (88 ca), Hậu Giang (69 ca), Hà Giang (56 ca), Đắk Nông (52 ca), Thanh Hóa (47 ca), Phú Thọ (46 ca), Nghệ An (44 ca), Quảng Nam (43 ca), Bắc Giang (41 ca), Quảng Ngãi (39 ca), Ninh Thuận (37 ca), Quảng Ninh (37 ca), Nam Định (36 ca), Gia Lai (36 ca), Quảng Trị (35 ca), Bắc Ninh (32 ca), Bình Định (30 ca), Quảng Bình (29 ca), Tuyên Quang (27 ca), Hà Nam (21), Điện Biên (20 ca), Đà Nẵng (18 ca), Phú Yên (16 ca), Lạng Sơn (9 ca), Ninh Bình (9 ca), Thái Nguyên (4 ca), Cao Bằng (3 ca), Yên Bái (2 ca), Hà Tĩnh (1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Tây Ninh (giảm 261 ca), TP Hồ Chí Minh (giảm 255 ca), Bình Định (giảm 96 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (tăng 148 ca), Bình Thuận (tăng 104 ca), Đắk Lắk (tăng 102 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.248 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.026.522 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.418 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.021.493 ca, trong đó có 860.494 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP Hồ Chí Minh (447.428 ca), Bình Dương (243.497 ca), Đồng Nai (78.073 ca), Long An (36.536 ca), Tiền Giang (20.780 ca).
Trong ngày 14/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 5.257 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 863.311 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.947 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 13/11 đến 17 giờ 30 ngày 14/11, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (22 ca), Kiên Giang (8 ca), An Giang (6 ca), Bình Dương (5 ca), Tiền Giang (5 ca), Tây Ninh (4 ca), Bình Thuận (2 ca), Cần Thơ (2 ca), Bạc Liêu (2 ca), Ninh Thuận (2 ca), Hà Nội (1 ca), Hà Giang (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Đồng Nai (1ca), Đồng Tháo (1 ca), Vĩnh Long (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 79 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.082 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 143.454 xét nghiệm cho 220.703 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.030.280 mẫu cho 64.276.379 lượt người. Trong ngày 13/11, cả nước có 1.093.823 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 98.930.571 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.322.087 liều, tiêm mũi 2 là 34.608.484 liều.
Trong ngày 14/11, ngành Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với chuyên gia nhập cảnh Việt Nam làm việc dưới 14 ngày sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dự kiến đề xuất sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến sẵn sàng thu dung, điều trị trước tình hình F0 xu hướng tăng. Sở Y tế TP Hà Nội có văn bản đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phương án rút khoảng cách giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca về còn tối thiểu 4 tuần.
Hà Nội ghi nhận 119 ca dương tính, trong đó có 42 ca tại cộng đồng
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 13-11 đến 18h ngày 14-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 119 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 42 ca tại cộng đồng, 71 ca tại khu cách ly và 6 ca tại khu phong tỏa.
Trong 119 ca dương tính, có 76 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, 16 người tiêm 1 mũi và số còn lại chưa đủ tuổi tiêm vắc xin Covid-19.
Các bệnh nhân này phân bố tại 16/30 quận, huyện: Quốc Oai (22), Nam Từ Liêm (16), Hà Đông (16), Ba Đình (14), Long Biên (10), Gia Lâm (8), Đống Đa (7), Bắc Từ Liêm (5), Mê Linh (5), Cầu Giấy (4), Hai Bà Trưng (3), Thanh Trì (3), Thanh Xuân (3), Hoàn Kiếm (1), Hoàng Mai (1), Tây Hồ (1) và phân bố theo 12 chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (27); chùm ca bệnh liên quan ổ dịch Đồng Quang, huyện Quốc Oai (22); chùm liên quan ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (21); chùm liên quan Kho hàng Shopee - Khu công nghiệp Đài Tư (11); sàng lọc ho, sốt (9); chùm liên quan các tỉnh có dịch (9); chùm liên quan ổ dịch Chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (6); chùm liên quan ổ dịch Phú La - quận Hà Đông (6); chùm liên quan ổ dịch đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy (3); chùm liên quan ổ dịch thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh (3); chùm liên quan ổ dịch Yên Xá, Tân Triều, huyện Thanh Trì (1); chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình (1).
Riêng 42 ca cộng đồng được phân bố theo 5 chùm ca bệnh: Chùm ca bệnh liên quan ổ dịch Đồng Quang, huyện Quốc Oai (22); sàng lọc ho, sốt (9); chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho, sốt (4); chùm liên quan các tỉnh có dịch (4); chùm liên quan ổ dịch Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (3) và phân bố theo 11 quận, huyện: Quốc Oai (22), Nam Từ Liêm (5), Bắc Từ Liêm (4), Hà Đông (3), Ba Đình (2), Cầu Giấy (1), Đống Đa (1), Gia Lâm (1), Hoàn Kiếm (1), Thanh Trì (1), Thanh Xuân (1).
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 6.043 ca, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.271 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.772 ca.
Riêng ổ dịch tại chợ Ninh Hiệp đến nay đã ghi nhận 232 ca dương tính; ổ dịch tại thôn Bạch Trữ đã có 236 ca; ổ dịch tại huyện thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai có 163 ca; ổ dịch tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai 22 ca; ổ dịch tại kho hàng Shopee - Khu công nghiệp Đài Tư 103 ca... Ngoài ra, thành phố đã ghi nhận 138 ca dương tính là người trở về từ các địa phương có dịch và 102 ca thứ phát liên quan đến các trường hợp này.
Từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 1.375 ca mắc COVID-19
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 14/11, Phú Thọ ghi nhận thêm 27 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 20 trường hợp từ F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đều đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 7 ca mắc mới trong cộng đồng gồm 2 ca tại xã Dân Quyền (Tam Nông); 4 ca tại xã Quảng Yên (Thanh Ba) và 1 ca tại xã Phù Ninh (Phù Ninh).
Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 1.375 ca mắc COVID-19 gồm: thành phố Việt Trì 559 ca, huyện Thanh Sơn 251 ca, Lâm Thao 165 ca, Phù Ninh 160 ca, Tân Sơn 74 ca, Tam Nông 74 ca, thị xã Phú Thọ 31 ca, Thanh Thủy 27 ca, Yên Lập 11 ca, Đoan Hùng 7 ca, Thanh Ba 6 ca, Cẩm Khê 5 ca và huyện Hạ Hòa 5 ca.
Tỉnh Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh với 12/13 huyện ở cấp độ 2, gồm: thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn 1 huyện Hạ Hòa cấp độ 1.
Toàn tỉnh có 1 xã ở cấp độ 4 là xã Thục Luyện (Thanh Sơn); 6 xã ở cấp độ 3 và 39 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ đề nghị lãnh đạo huyện ủy, UBND các huyện, thành, thị khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê lại chính xác toàn bộ số người trong độ tuổi và đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Tỉnh công khai rộng rãi đầu mối đăng ký tiêm vaccine tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý để người dân chủ động đăng ký khi chưa được tiêm mũi 1 vaccine COVID-19; Chỉ đạo tổ chức hoàn thành tiêm mũi 1 cho tất cả người dân trên 18 tuổi trên địa bàn (trừ những người có chỉ định trì hoãn tiêm chủng) trước ngày 20/11.
Hiện, tỉnh Phú Thọ đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine để bao phủ mũi 1 cho 100% người dân trên 18 tuổi.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh mới đạt 83,5% người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; tại một số huyện tỷ lệ này mới chỉ đạt khoảng 70% (Hạ Hòa 70,4%; Tân Sơn 72,4%, Thanh Sơn 71%; Yên Lập 70%;
Thanh Ba 74%; Lâm Thao 74%) và đã báo cáo, đề xuất hoàn trả vaccine về Sở Y tế mà không nêu rõ lý do. Việc này dẫn đến nguy cơ tỉnh sẽ không đạt được mục tiêu, tiến độ về tỷ lệ tiêm chủng và có thể gây ra những hậu quả tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
TP Hồ Chí Minh: Huyện Cần Giờ còn ở cấp độ 3, nhiều quận, huyện có số ca F0 tăng cao
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận Bình Tân, Quận 12, quận Gò Vấp, thành phố Thủ Đức ghi nhận có số ca F0 tăng cao.
Theo Bản đồ về cấp độ dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, đến tối 14/11, TP Hồ Chí Minh chỉ còn duy nhất huyện Cần Giờ ở cấp độ 3 (vùng cam); có 8 quận, huyện được đánh giá cấp độ dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng) và 13 quận, huyện, thành phố ở cấp độ 1 (vùng xanh). Hiện TP Hồ Chí Minh được đánh giá cấp độ dịch toàn thành phố ở cấp độ 2.
Còn trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh về COVID-19, trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 985 ca mắc mới và 22 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc mới và số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh trong 24 giờ qua đều giảm.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, một số địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có số F0 tăng cao trong 7 ngày qua gồm huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức, Quận 12 và quận Gò Vấp. Phân tích biểu đồ diễn tiến ca bệnh COVID-19 tại các quận, huyện có thể thấy, số F0 tại huyện Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây. Tương tự, huyện Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh cao và hiện tại có tín hiệu đi xuống. Riêng quận Bình Tân và Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng bao gồm Quận 10 và huyện Nhà Bè.
Phân tích về số ca tử vong, ông Tăng Chí Thượng cho biết, số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh dao động trong khoảng 40 ca/ngày. Các quận, huyện có số ca tử vong cao nhất trong những ngày gần đây gồm thành phố Thủ Đức, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, quận Tân Bình và Quận 12. Các trường hợp tử vong trên 65 tuổi chiếm 52% và tử vong do COVID-19 kèm bệnh nền chiếm 85%.
TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6 cho biết, trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 nhập viện đang tăng dần, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 100-150 ca. Đa số những ca nhập viện đến từ các quận, huyện lân cận như thành phố Thủ Đức, Quận 4 và quận Bình Thạnh. Hiện tại, Bệnh viện đang điều trị cho hơn 650 trường hợp F0.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban với các địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, có thể thấy số F0 trên địa bàn thành phố đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê.
Mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm nhưng chúng ta không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.
Lý giải về số ca F0 tăng trong thời gian gần đây, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, nguyên nhân thấy rõ nhất là thành phố không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát...
Trước tình hình số ca F0 đang cách ly tại nhà có xu hướng tăng, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiến nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến sẵn sàng thu dung điều trị F0.
0 nhận xét: