Xuyên âm là gì

AirPods Prođã ra mắt toàn cầu được khoảng gần 2 tháng, tuy vậy ở Việt Nam phải đến cuối tháng này người dùng mới có cơ hội được trải nghiệm hàng chính hãng.

Khá may mắn là Apple Hà Thành đã có cơ hội trải nghiệm trước phiên bản quốc tế của AirPods Pro, và trong bài viết này Apple Hà Thành sẽ gửi đến quý độc giả những trải nghiệm nhanh về AirPods Pro để giúp quý khách hàng có được cái nhìn chính xác nhất về sản phẩm này trước đưa ra quyết định mua hàng.

Đầu tiên là về thông tin giá bán của AirPods, hiện tại mức giá chính thức cho sản phẩm này tại thị trường Việt Nam là 7.3 triệu đồng, có thể thấy mức giá không hề rẻ cho chiếc tai nghe true wireless.

Thiết kế: Chất liệu không đổi, ngoại hình dị hợm cảm giác đeo tốt và dễ bẩn

Thiết kế là điều mà nhiều người bàn tán về AirPods Pro nhất, thậm chi người ta chỉ quan tâm nói về ngoại hình của AirPods Pro thay vì các tính năng nổi bật khác của nó. Tại sao lại như vậy?

Không khó để nhận ra rằng, ngoại hình của hai chiếc tai nghe AirPods phiên bản Pro trông rất kỳ dị. Có lẽ bạn đã thấy rất nhiều những tai nghe true wireless in-ear trên thị trường nhưng thiết kế tròn tròn bầu bầu và cụt cụt như một cái máy sấy tóc thì chắc là chưa bao giờ phải không?

Vậy màAppleđã lựa chọn kiểu tạo hình này để áp dụng cho AirPods Pro, đứng trên quản điểm là một người dùng các thiết bị Apple lâu năm chắc cũng khó lòng mà chấp nhận được kiểu tạo hình khó ưa này.

Chưa hết, Apple lựa chọn chất liệu nhựa bóng khá giống với các đời AirPods trước để áp dụng cho AirPods Pro. Đã là nhựa bóng thì gần như toàn nhược điểm, nhược điểm đầu tiên là rất dễ trầy xước, bạn không cần phải làm rơi rớt hay va quẹt gì nhưng cả vỏ case và tai nghe vẫn sẽ trầy rất nhiều.

Thêm vào đó, sau một thời gian sử dụng, nếu không kỹ càng phần nhựa này có khả năng ngả sang màu vàng nhạt, trông kém thẩm mỹ, và vấn đề này cũng sẽ xảy đến với phần ear tip màu trắng.

AirPods Pro bám bẩn sau khoảng 1 tuần sử dụng

AirPods 1 và 2 đều gặp chung một vấn đề ở thiết kế là các phần ghép, nối không quá khít, tạo ra các đường rãnh kích thước nhỏ và là nơi để bụi bẩn bám vào và thật không may AirPods cũng gặp vấn đề này. Sau khoảng 1 tuần mình sử dụng, thì tai nghe đã có hiện tượng bám bẩn và sẽ cần phải vệ sinh khá kỹ.

Để khắc phục toàn bộ những nhược điểm này, người dùng nên sử dụng bao da hoặc case bảo vệ cho AirPods Pro cũng như vệ sinh thường xuyên hơn để hạn chế bụi, bẩn bám vào.

Ear tip của AirPods Pro có thiết kế cũng khác rất nhiều so với các kiểu ear tip thường thấy ở những tai nghe in-ear. Nó được gắn với tai nghe khá chặt bằng một cái ngàm giữ, người dùng sẽ phải chật vật thời gian đầu để tháo lắp cái ear tip, và nếu không may làm rách ear tip, thì chúc mừng bạn sẽ phải mất đến khoảng $10 để mua bộ ear tip chính hãng Apple.

Thiết kế xấu và nhiều nhược điểm về mặt thẩm mỹ gần như đã được Apple chấp nhận, điều này đổi lại trải nghiệm sử dụng, cảm giác đeo của người dùng được tốt hơn. Quả thực, việc đeo AirPods Pro, một chiếc tai nghe in-ear, lại rất thoải mái, khác với những mẫu tai nghe nhét trong khác đang có mặt trên thị trường.

Thông thường, tai nghe in-ear sẽ tạo nên cảm giác cấn hoặc bí vì phần ear tip to cũng như tai nghe nặng. Nhưng AirPods Pro lại không như vậy, phần tai nghe khá nhẹ, thiết kế ear tip đặc biệt giúp nó không gây nóng và không không nhét quá sâu vào trong ống tai nên sẽ không tạo ra hiện tượng bí.

Chưa hết, chân tai nghe AirPods Pro đã ngắn hơn rất nhiều so với AirPods thường thấy, điều này giúp việc đeo AirPods Pro gọn gàng hơn, sẽ không còn những va chạm giữa má và tai nghe giúp người dùng có thể thoải mái nói chuyện hoặc ăn uống khi đang đeo tai nghe.

Thiết kế in-ear cũng giúp AirPods Pro bám chắc hơn trên tai khi di chuyển nhanh hoặc lúc tập luyện thể thao. Mặc dù có tính năng chống nước, nhưng lời khuyên là bạn đừng nên mang chiếc tai nghe này đi tập thể thao hay chạy bộ, bởi toàn bộ AirPods Pro là màu trắng, và nếu bám bẩn thì việc vệ sinh sẽ khá cực.

Có thể thấy, sự xấu xi của AirPods Pro là có chủ đích và Apple đã cố tình hoặc bỏ qua tính thẩm mỹ của sản phẩm mà thay vào đó là hướng nhiều hơn đến trải nghiệm người dùng.

Vì thực tế, thiết kế AirPods Pro xấu thật đấy, nhưng khi đeo lên tai, phần xấu xí đó đã bị che đi khá nhiều rồi.

Cơ chế chống ồn chủ động: Rất thông minh nhưng,

Điều khiển AirPods Pro trở nên đắt giá hơn so với các thế hệ AirPods trước đây không phải thiết kế mà chính là cơ chế chống ồn chủ động, cái mà Apple gọi là Anti Noise. Thực thế, chống ồn chủ động không phải là tính năng gì đó quá mới mẻ trên tai nghe true wireless, người dùng đã thấy tính năng này ở các mẫu tai nghe Sony.

Với lợi thế là một nhà sản xuất đi sau cùng việc tối ưu các sản phẩm cùng hệ sinh thái iDevice thì AirPods Pro thể hiện chống ồn chủ động theo cách tốt hơn.

Đầu tiên đó là việc người dùng có thể tùy chỉnh bật/tắt chống ồn bằng theo 2 cách, cách đầu tiên là sử dụng phím cảm ứng trên thân tai nghe AirPods Pro cách thứ 2 là bật tắt trực tiếp thông qua iPhone ở mục điều chỉnh âm thanh mà không cần thông qua ứng dụng bên thứ 3 nào.

Tiếp đến là khả năng khử tiếng ồn rất tốt và ấn tượng, khi vừa bật chống ồn lên bạn sẽ cảm thấy sự khác biệt ngay lập tức. Nhưng dù vậy, nếu có tiếng nói ở phía trực diện của bạn thì AirPods Pro vẫn để lọt qua như một cách giúp người dùng nhận thức môi trường và không bị cô lập hoàn toàn với xung quanh.

Cơ chế chống ồn hoạt động khá mạnh và đây cũng là điểm chắc chắn sẽ khiến một số người dùng cảm thấy khó chịu. Chống ồn hoạt động dựa trên cơ chế phản xạ các sóng âm, để lọc được âm thanh xung quanh tốt nhất thì Apple có lẽ đã tăng cường độ phản âm lên cao, điều này khiến việc đeo tai nghe và bật chống ồn trong thời gian dài sẽ khiến người dùng cảm thấy đau tai và hơi mệt mỏi. Rất tiếc là Apple không cho người dùng điều chỉnh mức độ chống ồn, giảm bớt áp lực lên đôi tai.

Cơ chế xuyên âm rất linh hoạt

Xuyên âm là một cơ chế ngược lại với chống ồn, cơ chế này cho phép ghi nhận toàn bộ âm thanh xung quanh khi người dùng đeo tai nghe. Đối với những người dùng thường xuyên phải đeo tai nghe kể cả khi di chuyển ngoài đường thì đây là cơ chế rất hay và tiện lợi.

Để dễ hình dung thì xuyên âm của AirPods Pro giống với tính năng Ambient Sound của các tai nghe Sony. Nhưng khác ở chỗ, AirPods Pro đẩy tone tiếng người nói lên cao hơn khiến dễ nhận biết hơn rất nhiều.

Nhiều người dùng đặt ra câu hỏi, đang đi xe với tốc độ cao để AirPods Pro ở chế độ xuyên âm thì tiếng gió đập vào có ảnh hưởng gì không? Câu trả lời là hoàn toàn không, AirPods Pro sẽ tự nhận diện được tiếng gió và tự khởi động tính năng khử tiếng gió để giúp việc trải nghiệm tốt hơn, tất nhiên các âm thanh khác vẫn được thu lại để đảm bảo mức độ nhận biết môi trường xung quanh.

Cơ chế xuyên âm cũng sẽ được kích hoạt khi người dùng bỏ một bên tai nghe ra khỏi tai.

Chất âm: Không khác biệt quá nhiều so với AirPods?

Với mức giá khoảng 7 triệu đồng thì chất âm có lẽ là điểm mà AirPods Pro tỏ ra không xứng với chi phí mà người dùng sẽ phải bỏ ra để sở hữu.

Trước đây AirPods và AirPods 2 cũng đã phải nhận lại rất nhiều lời chỉ trích về chất âm khi có mức giá cao nhưng thể hiện âm thanh không quá ấn tượng.

Về phần chất âm, theo cá nhân người viết bài nhận định, AirPods Pro vẫn thể hiện một hơi hướng âm thanh khá giống với các mẫu AirPods trước đây, tức là thể hiện phần mid và treb khá tốt, bass nhiều nhưng không thực sự chất.

Có chăng là việc sở hữu thiết kế in-ear nên khi thể hiện âm bass sẽ cho người dùng cảm nhận rõ ràng hơn so với AirPods.

Cụ thể thì âm bass của AirPods Pro thể hiện không quá sâu, có thể xem là hơi nông, bạn có thể cảm nhận rõ điều này qua bài hát Tumplr Girls của G-Eazy, intro là đặc trưng của bài hát này tuy vậy AirPods Pro chỉ đập vừa đủ, hơi thiếu trách nhiệm nhưng không quá tệ.

Treble là thứ mà AirPods Pro thể hiện khá tốt, tiếng nhạc cụ trong những bản rock sôi động đủ tốt để khiến người nghe hòa mình vào bài hát. Rock cũng là thể loại nhạc không đi theo hướng bass quá nhiều và vì thế AirPods Pro sẽ phần nào phù hợp với thể loại nhạc này hơn.

Chi tiết âm của AirPods Pro cũng tốt hơn AirPods một chút, đặc biệt là khi nghe các bản nhạc điện tử sẽ bớt đi sự lộn xộn của các dải âm.

Nhìn chung, về mặt chất âm, AirPods Pro thực chất không được đánh giá quá cao, không ngạc nhiên khi nhiều trang công nghệ thế giới so sánh chất âm của AirPods Pro còn thua cả Galaxy Buds, mẫu tai nghe có giá chỉ khoảng AirPods Pro.

Khả năng đàm thoại và kết nối

Chất âm thể hiện không quá ấn tượng, nhưng AirPods Pro vẫn cho thấy thế mạnh về đàm thoại của mình, dù có chân tai nghe ngắn hơn AirPods nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc thu âm khi đàm thoại của AirPods Pro.

Việc nghe và nhận cuộc gọi diễn ra tốt đẹp và gần như không nhận lại sự phàn nàn của người gọi về chất lượng micro. Ngay cả khi bạn đeo khẩu trang và đang đi ngoài đường thì việc đàm thoại diễn ra vẫn rất tốt.

Tạm kết

Đối với những người dùng đã sử dụng toàn bộ các sản phẩm Apple thì AirPods Pro sẽ là một sản phẩm đáng để trải nghiệm. Còn nếu bạn ghét in-ear và AirPods ½ đã quá tốt rồi thì chẳng có lý do gì để lên AirPods Pro cả.

Trên đây là những chia sẻ mang tính cá nhân của người viết bài, có khen và có chê, hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp quý độc giả có được những cái nhìn chính xác về chất lượng của AirPods Pro và đưa ra quyết định mua hàng đúng đắn.

Video liên quan

0 nhận xét: