Các vụ an ngân hàng gần đây

Một số dạng tội phạm trong hoạt động Ngân hàng

T3, 08/10/2019 - 13:56|admin

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra phức tạp, với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng phạm tội thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để đối phó gây khó khăn cho công tác phát hiện cũng như hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm xâm phạm tài sản của Ngân hàng.

Qua một số vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những năm gần đây, thấy nổi lên một số dạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng sau:

Một là: Lập khống chứng từ để rút tiền tiết kiệm gửi tại Ngân hàng của khách hàng để chiếm đoạt:

Trong vụ án Nguyễn Thị Thu Th phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Th được phân công nhiệm vụ là Giao dịch viên tại Ngân hàng TMCP V. Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2017, Th đã nhận tiền của 31 khách hàng đến làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm, Th đã làm thủ tục mở 44 sổ/tài khoản tiết kiệm. Trong quá trình thực hiện các giao dịch này, lợi dụng kẽ hở trong việc quản lý tài khoản tiền gửi trên hệ thống Ngân hàng, Th cập nhật thông tin về khoản tiền đã gửi để in sổ/thẻ tiết kiệm giao cho khách hàng; đồng thời đã sử dụng chương trình in lại chứng từ, báo lỗi và đề nghị Kiểm soát viên của Ngân hàng phê duyệt in lại chứng từ để làm thủ tục rút chiếm đoạt tổng số tiền 21.109.046.000 đồng chi tiêu cá nhân.

Hai là: Cho khách hàng ký trước chứng từ khi làm thủ tục vay vốn; Giả mạo chữ ký của khách hàng vay vốn để chiếm đoạt tiền:

Vụ án Nguyễn Ngọc Thanh T phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Trong thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2014, T được Ngân hàng TMCP V phân công trực tiếp hướng dẫn làm thủ tục và quản lý hồ sơ vay vốn của 07 khách hàng vay vốn tại Ngân hàng. Do cần tiền để chi tiêu cá nhân, T đã lợi dụng lòng tin và sự sơ hở của những cán bộ trong cùng cơ quan, khi làm thủ tục vay vốn, T cho khách hàng ký trước một số giấy tờ như Lệnh chi, Giấy nhận nợ (chưa ghi nội dung) và bằng các thủ đoạn gian dối khác, T đã dùng hồ sơ vay vốn của các khách hàng do T được giao quản lý còn hạn mức tín dụng và còn thời hạn duy trì hạn mức,lập khống các chứng từ giải ngân, lợi dụng các chứng từ ký khống của khách hàng có sẵn trong hồ sơ vay vốn, hoặc ký giả chữ ký của khách hàng vay vốn; nhờ một số khách hàng quen biết để chuyển số tiền giải ngân khống vào tài khoản của họ rồi nhờ họ rút tiền mặt, chuyển lại cho T. Để không bị Ngân hàng và khách hàng phát hiện, T tự làm các thủ tục và tự nộp tiền vào để trả lãi cho các khoản tiền T giải ngân khống. Bằng các thủ đoạn trên, thông qua các Hợp đồng tín dụng của khách hàng, Tđã chiếm đoạt được số tiền 5.650.000.000 đồng của Ngân hàng TMCP V.

Ba là: Sử dụng thông tin của khách hàng để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng:

Trong vụ án Nguyễn Thị L phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lợi dụng vị trí được Ngân hàng VP phân công làm cán bộ tín dụng, làm hồ sơ tìm kiếm khách hàng vay vốn, L đã tiếp nhận hồ sơ thông tin, làm thủ tục mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng VP cho 20 khách hàng nhưng sau đó những người này không sử dụng nữa, chuyển thẻ lại cho L để làm thủ tục đóng thẻ nhưng L đã không làm thủ tục đóng thẻ tín dụng theo quy định cho khách hàng mà tự ý sử dụng thẻ tín dụng của 20 khách hàng này để rút tổng số 434.000.000 đồng chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, L lấy thông tin của 05 khách hàng (trong tổng số 20 khách hàng này) để làm hợp đồng vay vốn dưới hình thức vay tín chấp (thực tế khách hàng không biết, không có nhu cầu vay tín chấp nhưng đều là người quen nên khi L nhờ đã tin tưởng ký vào hợp đồng và cung cấp bảng lương cho L). Sau khi hoàn thiện các thủ tục, được Ngân hàng xác nhận thì L đã rút tiền chiếm đoạt được 360.000.000 đồng.

Sau khi được chuyển đổi vị trí công tác, L đã tiếp tục lợi dụng vị trí là quản lý, theo dõi số tiền dư nợ của khách hàng tại Ngân hàng VP, L đã tự làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của 03 khách hàng sang tài khoản cá nhân của mình mở tại Ngân hàng VP để rút ra chiếm đoạt 530.000.000 đồng.

Như vậy, với các vị trí công tác khác nhau tại Ngân hàng VP, L đều sử dụng các thông tin của khách hàng để làm giả các thủ tục nhằm rút tiền của Ngân hàng để chiếm đoạt chi tiêu cá nhân.

Bốn là: Lợi dụng kẽ hở trong việc quản lý, sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển tiền từ trụ sở chính đến các chi nhánh của Ngân hàng để tự ý sử dụng tiền được giao quản lý nhằm chiếm đoạt.

Vụ án Phạm Thị Tr cùng đồng phạm phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một ví dụ. Tr là nhân viên kiểm ngân của Ngân hàng TMCP LV, Ngân hàng LV giao cho Tr nhiệm vụ thu gom tiền tại các chi nhánh theo tuyến đường cố định (gồm lái xe chuyên dụng, kiểm ngân và bảo vệ), công việc hàng ngày của Tr là đầu giờ làm việc buổi sáng vận chuyển tiền từ Trụ sở chính của Ngân hàng đến bàn giao cho các chi nhánh; cuối giờ làm việc buổi chiều thực hiện việc gom tiền từ các chi nhánh về trụ sở chính để bàn giao lại cho bộ phận Kho quỹ. Do đang khó khăn về kinh tế, Tr đã lợi dụng việc quản lý xe chuyên dụng của Ngân hàng còn lỏng lẻo (có định vị GPS nhưng không được kiểm soát chặt chẽ; trên xe không có camera giám sát) nên Tr đã rủ lái xe chuyên dụng sử dụng xe chuyên dụng đi ăn uống, sau đó cho chồng là cán bộ tại một cơ quan nhà nước lên xe chuyên dụng của Ngân hàng đi nhờ xuống chi nhánh của Ngân hàng có việc. Tại xe ô tô chuyên dụng, vợ chồng Tr đã lôi kéo lái xe giúp sức cho mình để mở cốp xe chuyên dụng cho vợ chồng Tr lấy tổng cộng 2.100.000.000 đồng tiền thu gom tại các chi nhánh của Ngân hàng, sau đó vợ chồng Tr chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên rồi cùng nhau bỏ trốn khỏi địa phương.

Năm là: Thành lập Công ty ma để lập hồ sơ vay vốn, thanh toán trả tiền mua hàng hóa rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng

Dương Văn C là Phó phòng tín dụng của Ngân hàng TMCP CT. Để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng, C đã thành lập Công ty cổ phần P, thuê Ph làm Giám đốc, N làm Kế toán; mọi hoạt động của Công ty cổ phần P đều do C chỉ đạo, điều hành. Để thực hiện việc chiếm đoạt tiền của Ngân hàng, Công ty cổ phần P đã lập hồ sơ (hợp đồng mua Đạm Urê) và các văn bản, giấy tờ giả thế chấp cho Ngân hàng TMCP CT để vay 1,4 tỷ đồng. Do tin tưởng C nên sau khi tiếp nhận hồ sơ giấy tờ có liên quan do C chuyển cho, cán bộ thẩm định đã không kiểm tra; không tiến hành thẩm định, định giá theo quy định, nhưng vẫn ký hợp đồng tín dụng; tài sản bảo đảm cho số tiền vay là kho hàng đạm Urê của Công ty P. Sau khi đã hoàn thiện các thủ tục, Ngân hàng đã giải ngân số tiền 1,4 tỷ bằng chuyển khoản thanh toán tiền hàng cho bà V (người quen của C, được C nhờ rút tiền mặt để đưa lại cho C sử dụng).

Đến hạn không thanh toán, Ngân hàng đã kiểm tra kho đạm của Công ty P để phát mại, nhằm thu hồi vốn mới phát hiện số lượng Đạm Urê mà Công ty P dùng để làm tài sản đảm bảo cho món vay số tiền 1,4 tỷ đồng là không có thật. Toàn bộ các hồ sơ, hợp đồng, hoá đơn, chứng từ về số hàng đạm Urê đều do Công ty P lập khống, nhằm lừa dối Ngân hàng để vay tiền (không có sổ sách, chứng từ tài liệu nào thể hiện việc thanh toán hay công nợ nào với bà V).

Toàn bộ số tiền gốc 1,4 tỷ cho đến nay không còn khả năng thu hồi, vì không có tài sản đảm bảo.

Sáu là: Làm giả giấy tờ, khai khống tài sản trên đất để nâng giá trị tài sản thế chấp nhằm vay tiền của Ngân hàng lớn hơn giá trị thực tế.

Nguyễn Bá T có đăng ký hộ kinh doanh. T có 03 lô đất liền nhau (thửa số 214, 215, 216) có mặt tiền giáp đường nhựa, đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong đó thửa đất số 216 có một mặt giáp đường bê tông liên thôn; trên thửa 214 có 01 gian nhà cấp 4, thửa 215 và 216 không có tài sản gì. Do cần tiền để kinh doanh, Nguyễn Bá T đã làm thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất để vay tiền tại Ngân hàng. Để vay được nhiều tiền hơn giá trị thực tế, T đã làm giả giấy phép xây dựng nhà 3 tầng trên đất, sửa chữa xác nhận của địa phương về hiện trạng thửa đất, sửa chữa sơ đồ thửa đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lập 03 hồ sơ vay vốn tại 03 Ngân hàng khác nhau (trong mỗi hồ sơ đều có bản sao giấy phép xây dựng nhà ba tầng; xác nhận của địa phương về việc có nhà ba tầng trên từng thửa đất tương ứng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều thể hiện các thửa đều có một mặt giáp đường bê tông, một mặt giáp đường nhựa...) để vay mỗi Ngân hàng 1.000.000.000 đồng. Khi tiến hành thẩm định giá trị tài sản thế chấp, cán bộ thẩm định của các Ngân hàng trên trực tiếp đến hiện trạng thửa đất, đều được T dẫn đi thẩm định, xác định có nhà ba tầng trên thửa đất thế chấp, có treo biển Công ty của T, những người xung quanh được hỏi đều xác nhận tài sản này là của T... nên không phát hiện được trên thực tế thửa đất được thế chấp không có tài sản có giá trị (không có nhà ba tầng); không phát hiện được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị sửa chữa... Sau đó T chết, các Ngân hàng mới phát hiện được hộ kinh doanh của T đã dừng hoạt động, hồ sơ vay vốn đã bị T làm giả. Số tiền 3.000.000.000 đồng của 03 Ngân hàng đã giải ngân theo hợp đồng tín dụng ký với T không thể thu hồi được.

Tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng nêu trên đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng, không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của hệ thống tài chính, Ngân hàng; Làm gia tăng rủi ro và nguy cơ gây mất an toàn hệ thống Ngân hàng, đẩy Ngân hàng vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, đóng băng tín dụng và tác động trực tiếp đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng gia tăng là do cách thu thập thông tin trong hoạt động cho vay của một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ; chấm điểm tín dụng vẫn dựa vào nhiều thông tin về tài sản thế chấp do khách hàng cung cấp, thiếu kiểm chứng; việc kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng có rất nhiều sơ hở, lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện được những tồn tại, hạn chế trong quy trình hoạt động và các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó tạo ra kẽ hở về cơ chế, chính sách để những người làm việc trong Ngân hàng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Đây chính là nguyên nhân khiến nợ xấu trong Ngân hàng cao, thậm chí một số khoản cho vay có nguy cơ mất trắng do không có khả năng trả hoặc không có tài sản bảo đảm để thu hồi.

Vì vậy, việc nhận diện đúng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng cũng như các tình tiết liên quan có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi đưa ra một số dạng vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thông qua một số vụ việc đơn vị đã thụ lý giải quyết trong thời gian qua để bạn đọc nghiên cứu, tham khảo./.

Nguyễn Thị Huệ Anh-Phòng 3 Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Tags: Pháp luật và đời sống

Video liên quan

0 nhận xét: